Mục tiêu của huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) trong tương lai là trở thành thành phố sân bay đầu tiên của cả nước.
Long Thành có vị trí chiến lược quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khi giáp thành phố Thủ Đức, Biên Hòa (Đồng Nai) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Huyện có diện tích 431 km2, gấp đôi Thủ Đức. Dân số của huyện đạt 356.000 người (tính đến 2019), mật độ dân số 826 người/km2.
Trên địa bàn huyện hiện đang triển khai dự án sân bay Long Thành trị giá 16 tỷ USD. Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có vốn đầu tư giai đoạn một lên đến 5 tỷ USD. Dự kiến, sân bay sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Huyện Long Thành là giao điểm của 3 tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng là TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, Bến Lức – Long Thành và Biên Hoà – Vũng Tàu. Trong đó, tuyến TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây đã được đưa vào sử dụng. Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đang được khẩn trương thi công. Dự án có tổng mức đầu tư 31.000 tỷ đồng. Khi hoàn thành, nó sẽ kết nối huyện Long Thành với TP.HCM, Long An. Trong ảnh là gói thầu A7 nằm trên địa bàn hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch.
Ngoài ra, vào ngày 18/6, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu được khởi công. Sau khi hoàn thành, nó sẽ kết nối các tuyến cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Bến Lức – Long Thành, các tuyến đường kết nối vào sân bay Long Thành, hình thành trục giao thông xương sống giải quyết kẹt xe trên QL51.
Ngoài ra, huyện Long Thành cũng chủ trương xây dựng 2 tuyến giao thông (T1, T2) phục vụ thi công các hạng mục quan trọng như nhà ga hành khách, đường cất, hạ cánh… chi phí dự kiến hơn 4.800 tỷ đồng. Theo quy hoạch, đường T1 có chiều dài 3,8 km sẽ kết nối sân bay Long Thành với đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, quốc lộ 51 và đường tỉnh 25C. Đường T2 dài 3,5 km kết nối sân bay với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Theo:Phùng Tiên